Cảnh giác với tình trạng giả mạo cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản sách nhiễu người dân
Cập nhật lúc: 09/10/2017
Cập nhật lúc: 09/10/2017
Thời gian gần đây, một số đối tượng xấu mạo danh các cán bộ của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản để sách nhiễu các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.
Cụ thể, các đối tượng dùng điện thoại giả mạo tên tuổi, chức danh của các cán bộ trong Chi cục gọi điện thông báo đến các cơ sở sẽ có đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và yêu cầu cơ sở phải chuyển tiền trước vào một tài khoản cá nhân nào đó để đóng các loại phí, lệ phí kiểm tra; bắt buộc các cơ sở phải mua các loại sách, tài liệu tham khảo liên quan đến lĩnh vực ATVSTP; yêu cầu cơ sở nộp các loại giấy tờ như Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy khám sức khỏe, chứng minh nhân dân để làm Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP...
Các cán bộ của Đoàn thanh tra liên ngành do Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tổ chức kiểm tra một cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Ngọc Thanh
Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản cho biết, việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo đảm ATVSTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản được đơn vị thực hiện định kỳ thường xuyên hoặc đột xuất theo văn bản, không làm việc thông qua điện thoại. Việc kiểm tra phải có quy trình cụ thể, cán bộ kiểm tra mang đồng phục theo quy định của pháp luật. Còn các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến các lĩnh vực do đơn vị quản lý được công khai minh bạch trên bảng thông tin tại trụ sở và trang web của đơn vị. Để thực hiện các TTHC liên quan, người dân có thể đăng ký trực tuyến thông qua hệ thống và Chi cục sẽ phản hồi bằng email hoặc người đăng ký đến trụ sở thực hiện các TTHC dưới sự hướng dẫn của cán bộ chuyên trách.
Riêng với hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP), các loại giấy tờ gồm: đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận ATTP theo mẫu; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc giấy chứng nhận kinh tế trang trại, bản sao công chứng hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu; bản thuyết minh về điều kiện bảo đảm ATTP của cơ sở; danh sách chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP, xác nhận đủ sức khỏe (có xác nhận của cơ sở sản xuất, kinh doanh).
Trong thời hạn 3-5 ngày làm việc (hoặc ngày nghỉ nếu cơ sở có nhu cầu), kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, đơn vị sẽ tổ chức đoàn kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm ATTP tại cơ sở và cấp Giấy chứng nhận ATTP nếu đủ điều kiện (theo quy định của pháp luật là 15 ngày làm việc). Trường hợp cấp lại thì trước 6 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận ATTP hết hạn, cơ sở nộp hồ sơ đề nghị cấp lại khi tiếp tục sản xuất kinh doanh. Nếu Giấy chứng nhận ATTP vẫn còn thời hạn hiệu lực nhưng bị mất, hỏng, thất lạc hoặc có sự thay đổi, bổ sung thông tin thì cơ sở phải có văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận ATTP theo quy định và được đơn vị thẩm định, thực hiện trong thời gian 5 ngày. Trường hợp không cấp lại, Chi cục sẽ có văn bản thông báo và nêu rõ lý do cụ thể.
Để tránh tình trạng bị các đối tượng xấu sử dụng các hành vi lừa đảo, Chi cục đề nghị và khuyến cáo các địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh khi phát hiện các trường hợp mạo danh thì liên hệ trực tiếp với Chi cục tại địa chỉ: Km 9, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột hoặc gọi điện thoại theo đường dây nóng 02623985598 để đơn vị phối hợp với các ngành chức năng giải quyết.
Thanh Hường
Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử