Ứng dụng Công nghệ cao thời cách mạng Công nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp tại Đắk Lắk
Cập nhật lúc: 28/07/2020
Cập nhật lúc: 28/07/2020
Nông nghiệp 4.0 chính là sản xuất nông nghiệp thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano. Thông qua các công nghệ như Internet, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây... người sản xuất nông nghiệp có thể nắm rõ được thông tin và tình hình tại khu sản xuất để có những giải pháp phù hợp và thực hiện các giải pháp đó mà không nhất thiết có mặt tại khu sản xuất. Theo đó, nông nghiệp 4.0 chính là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp. Với tỉnh Đắk Lắk, hiện nay đang tập trung vào Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tức là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, tuy nhiên cũng không khó có thể bắt gặp những mô hình nông nghiệp 4.0 không toàn diện như ứng dụng thiết bị cảm biến nhằm số hóa các yếu tố: như nước, phân, thuốc, nhiệt độ…
Đắk Lắk có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, đất đai rộng lớn, màu mỡ (với diện tích đất nông nghiệp là hơn 1.160 ngàn ha, trong đó có 345 ngàn ha là đất đỏ bazan, diện tích đất canh tác nông nghiệp là 627 ngàn ha); ngoài ra còn có gần 40 ngàn ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, điều kiện khí hậu phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của đa số các loại cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là cây công nghiệp (cà phê, cao su, tiêu, ca cao), cây ăn quả có giá trị (Sầu riêng, bơ, cây có múi…), cây rừng, dược liệu… Những năm qua bên cạnh những thành công về diện tích và sản lượng cây trồng, một số mô hình canh tác có hiệu quả… vẫn còn nhiều những tồn tại, hạn chế như: Sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, áp dụng giống mới, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến còn hạn chế; năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực chưa cao; chưa kết nối hài hòa được giữa cung và cầu, giữa sản xuất – chế biến với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó đất canh tác bị suy thoái với tốc độ nhanh, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, dẫn đến sản xuất nông nghiệp nói chung và cây trồng nói riêng phải đối mặt với nhiều bất ổn, vì vậy việc phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp 4.0 là xu thế tất yêu phải thực hiện trong thời gian tới của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Tỉnh Đắk Lắk luôn xác định vai trò quan trọng của việc xây dựng và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương. Tỉnh ủy đã chỉ đạo rất quyết liệt chương trình này; đồng thời, ngày 10/10/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2514/QĐ-UBND phê duyệt Đề án rà soát, điều chỉnh, bổ sung Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, với các mục tiêu, như sau: Đến năm 2020 và những năm tiếp theo, hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu NNUDCNC, tiếp tục phát triển thêm một số khu công nghệ cao trên địa bàn tỉnh (TP Buôn Ma Thuột, huyện Cư Mgar,…) và đẩy mạnh ứng dụng trên diện rộng CNC trong nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất NNUDCNC chiếm ít nhất 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; Hiện nay, tỉnh đang hướng đến xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao của nông sản hàng hóa. Trong đó, một số nhiệm vụ chủ yếu được xác định bao gồm xây dựng tiềm lực để ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp; nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, triển khai sản xuất thử sản phẩm để phục vụ sản xuất và đời sống. Mặt khác tỉnh Đắk Lắk cũng đã đề ra những giải pháp tích cực để đẩy mạnh việc ứng dụng thành quả các đề tài đã nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu khoa học; tạo lập thị trường thuận lợi, thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học nông nghiệp để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các sản phẩm, hàng hoá chủ lực ở quy mô công nghiệp, có chất lượng và sức cạnh tranh cao trên thị trường, phục vụ tốt cho tiêu dùng và xuất khẩu; khuyến khích chuyển giao, tiếp nhận và nhập khẩu các công nghệ mới, có hiệu quả kinh tế và an toàn với môi trường; đưa nhanh và ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ tự động vào hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Trong thời gian qua, toàn tỉnh đã có nhiều nổ lực đầu tư, nghiên cứu, thí điểm một số mô hình sản xuất giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn thực phẩm,...; Sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, ứng dụng các phương pháp tưới nước tiết kiệm, tưới tiên tiến; Chăn nuôi công nghệ trong nhà máy lạnh; ứng dụng rộng rãi các giống mới như lúa, ngô, đậu đỗ; ứng dụng các giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; thụ tinh nhân tạo cải tiến công nghệ sinh sản, thụ tinh nhân tạo cho bò kết hợp với công nghệ gen trong chọn, tạo các giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao.... Hiện nay nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã đề xuất xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm thu hút các nhà đầu tư đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiêu biểu hiện nay trên địa bàn xã Ea Kpam, huyện Cư M`gar đã triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ thúc đẩy việc sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn và đưa các giống cây, con mới có chất lượng cao vào sản xuất đại trà. Đến nay việc áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời cách mạng 4.0 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan cụ thể như sau:
Đối với lĩnh vực Trồng trọt: Đến hết năm 2017 tổng diện tích thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 18.245 ha, trong đó một số địa phương đã thực hiện xây dựng các mô hình sản xuất rau sạch trong nhà lưới, đồng thời trồng thử nghiệm các giống cây trồng mới, sử dụng các giống lúa lai, giống biến đổi gen có năng xuất, chất lượng cao. Trong công tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã có những thành công bước đầu, tiêu biểu tại huyện Cư`Mgar, Cư kuin, Ea Súp… đã triển khai tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn chuyển giao công nghệ cho người dân, doanh nghiệp, các Tổ hợp tác và hỗ trợ tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, đồng thời đưa vào thực nghiệm các loại cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao, đã gặt hái được nhiều thành công như mô hình dưa lưới Nhật Bản, nấm Linh chi, mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao, trồng thâm canh ớt chuông, Mô hình trồng ca cao xen chuối Nam mỹ, Mô hình Nhà phơi nông sản màng Plastic… ngoài ra việc sản xuất theo mô hình chuỗi, theo tiêu chuẩn VietGap đã được người dân và doanh nghiệp tích cực hướng ứng thực hiện, tiêu biểu trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap như Công ty CP nông nghiệp CNC Argrieco Việt Nam, Công ty TNHH Viết Hiền, Mô hình rau sạch VietGAP HTX Thuận Hòa, Tổ hợp tác rau an toàn Phú Vinh…, đây là điển hình trong việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào canh tác nhằm tăng hiệu quả sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp nông dân nâng cao thu nhập; bên cạnh đó việc áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm trên các loại cây trồng đã được phổ biến với nhiều hình thức khác nhau như: tưới phun gốc, tưới nhỏ giọt, tưới thấm và một số hộ đã áp dụng cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây qua hệ thống tưới này, đây là một trong những công đoạn áp dụng nông nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp.
Đối với lĩnh vực Chăn nuôi: Các địa phương đã tập trung nghiên cứu, áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến trong chăn nuôi như: Chăn nuôi trong nhà lạnh, sử dụng tinh bò đông lạnh, chọn các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao như trâu, bò, lợn..., các loại gia cầm, mục đích đem lại hiệu quả kinh tế cao, rút ngắn thời gian chăm sóc. Trong những năm qua, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đây phát triển ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng. Trên cơ sở định hướng của những chính sách đã ban hành, chăn nuôi của tỉnh bước đầu hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chăn nuôi có kiểm soát, chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ, gia trại sang chăn nuôi công nghiệp trang trại quy mô lớn, công nghệ cao. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 500 trang trại chăn nuôi, trong đó việc trang bị, sử dụng máy móc phục vụ vào sản xuất chăn nuôi khá phổ biến, tuy nhiên chủ yếu mới dừng lại ở một số khâu cơ bản như máng ăn, uống tự động, sử dụng điều hòa để duy trì ổn định nhiệt độ phù hợp trong chuồng nuôi… Việc áp dụng công nghệ thông tin, các trang bị và công nghệ tiên tiến toàn diện chưa thực hiện do chi phí lớn, ngoài ra còn có 12 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (08 cơ sở chăn nuôi gia cầm, 03 cơ sở chăn nuôi lợn và 01 cơ sở chăn nuôi bò); số cơ sở chăn nuôi áp dụng VietGAP là 02 cơ sở (chăn nuôi lợn). Công tác phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã đạt được những thành tựu tương đối khả quan.
Đối với lĩnh vực Thủy sản: Đắk Lắk có sự đa dạng về loại hình nuôi trồng Thủy sản như ao hồ nhỏ (hộ gia đình), ruộng trũng, sông suối và đặc biệt là trên các hồ đập (hồ thuỷ lợi, hồ thuỷ điện, đập dâng, hồ tự nhiên). Hiện nay, diện tích có khả năng nuôi trồng khoảng 40.000 ha mặt nước chuyên dùng và các sông suối có khả năng nuôi trồng và khai thác thụỷ sản khác. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao để nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhằm nâng cao năng suất nuôi trên một đơn vị diện tích, tăng thêm thu nhập cho người nuôi thủy sản đang là định hướng trọng tâm cho ngành thủy sản trong thời gian tới. Đắk Lắk đã đưa vào sản xuất giống ứng dụng công nghệ mới để sản xuất một số loại giống thủy đặc sản, có giá trị kinh tế cao như Cá Rô phi đơn tính, đồng thời tiến hành nuôi thử nghiệm các giống mới có năng xuất cao và có giá trị kinh tế cao như: cá Lăng đuôi đỏ; cá Trắm đen; cá Chạch bùn, cá Rô đầu vuông, cá Trắm giòn thương phẩm trong ao bằng thức ăn viên tổng hợp trên địa bàn Đắk Lắk. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã nuôi được cá tầm, cá tầm thuộc loại đặc sản, thơm ngon và trứng cá tầm đen là món ăn cao cấp thuộc hạng “cao lương mỹ vị”. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 01 Công ty nuôi cá Tầm là Công ty cổ phần cá Tầm Việt Nam, từ đây mở ra triển vọng mới cho phát triên kinh tế nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk.
- Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sản phẩm nông sản còn nhiều hạn chế, nguyên nhân chính hiện nay không phải ở khâu công nghệ, mà ở chính sách đất đai, việc tích tụ ruộng đất chưa được “cởi trói”, doanh nghiệp chưa có đủ đất để triển khai dự án.
- Tập quán sản xuất cũ vẫn còn, nhận thức về một nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ vẫn còn mới mẻ và đặc biệt là vấn đề sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi và sự bảo hộ cho sản phẩm NNUDCNC còn nhiều bất cập. Sản phẩm làm ra không cạnh tranh được trong nước (vì giá bán hầu như không chênh lệch so với sản phẩm nông nghiệp thông thường) mà xuất khẩu thì chưa có thương hiệu, chưa tìm được thị trường. Đây cũng là những khó khăn chính đối với ngành nông nghiệp cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
- Việc liên kết sản xuất theo chuỗi hiện nay hầu như chưa được quan tâm đúng mức. Các doanh nghiệp hoạt động rời rạt, chưa có sự liên kết theo chuỗi (ngoại trừ một số công ty như Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, công ty H.T Farm liên kết với nông dân cũng chỉ ở một vài công đoạn). Vì thế, những chỉ tiêu kế hoạch trong đề án phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, có ứng dụng công nghệ cao của tỉnh chưa đạt như mong muốn.
- Việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để tìm kiếm thị trường tiêu thụ vẫn chưa có lối thoát. Câu chuyện ”được mùa thì mất giá” cứ quanh quẩn mãi chưa được giải quyết. Làm NNUDCNC đầu tư cao, nên giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh trong nước, nếu muốn có lợi nhuận cao phải tìm đầu ra cho sản phẩm ở thị trường ngoài nước.
- Đầu tư cho NNUDCNC thường có suất đầu tư lớn, đa số người dân không đủ nguồn lực để đầu tư nhưng tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn, lượng vốn vay không đủ để đầu tư.
Đó là một số trong vô số những vấn đề cấp bách đặt ra cần phải được giải quyết đối với sản xuất NNUDCNC. Do vậy, quan điểm phát triển sản xuất NNUDCNC của tỉnh Đắk Lắk phải dựa trên những nguyên tắc giải quyết triệt để những vấn đề tồn tại hiện nay mới hi vọng đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời đại cách mạng 4.0, Trước mắt nông nghiệp Đắk Lắk cần phải tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, mà cụ thể là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như:
+ Áp dụng kỹ thuật canh tác không sử dụng đất; sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm; áp dụng nhà kính, nhà màng, nhà lưới có hệ thống điều khiển tự động, bán tự động trong nhân giống cây…
+ Sử dụng hệ enzim và vi sinh vật thích hợp cải thiện chất lượng đất, cải thiện độ phì đất; sử dụng các chế phẩm sinh hoc trong phòng trừ tuyến trùng hại rẽ cho cà phê và hồ tiêu; ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến…
+ Cơ giới hóa các khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch trong lĩnh vực trồng trọt…
+ Sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; sản xuất cà phê, tiêu, điều, ca cao theo tiêu chuẩn bền vững và chế biến đạt tiêu chuẩn ISO, HACCP…
- Phát triển sản xuất nông nghiệp 4.0 là xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai, để sẵn sàng cho việc triển khai thực hiện cách mạng 4.0 toàn diện, chúng ta phải đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực về ứng dụng vi tính hóa trong quản lý điều hành, quản lý lưu trữ dữ liệu truy nguyên nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; xây dựng các khu vùng sản xuất nông nghiệp tập trung hiện đại để phục vụ phát triển nông nghiệp 4.0; kêu gọi các nguồn lực từ các nhà đầu tư và đặc biệt là phải tìm kiếm được thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp.
Nhìn chung, nông nghiệp ứng dụng cao và nông nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cơ bản đã có những bước tiến khả quan, mặc dù chưa có những mô hình phát triển toàn diện, tuy nhiên đã góp phần nhỏ vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà và nâng cao đời sống cho người dân.
Hà Thành Luân