Trợ lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Cập nhật lúc: 07/07/2021
Cập nhật lúc: 07/07/2021
Với mục tiêu đồng hành và hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực nhằm trợ lực cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đa dạng các biện pháp hỗ trợ
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 10.000 DN đang hoạt động, trong đó hầu hết là các DNNVV. Chính vì vậy, tỉnh luôn xem việc quan tâm đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển DNNVV là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Ông Huỳnh Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhiều nội dung liên quan đến việc triển khai chính sách hỗ trợ dành cho DNNVV, trong đó có hoạt động hỗ trợ dành cho các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo loại hình DN.
Đồng thời, tỉnh đã quan tâm và chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh trên địa bàn. Cùng với việc ban hành và triển khai những chính sách hỗ trợ DN, các cấp, các ngành trong toàn tỉnh đã chủ động triển khai đa dạng hoạt động đồng hành cùng DN trong sản xuất kinh doanh như hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho DNNVV, hỗ trợ kết nối DN thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức kết nối thị trường cả trong và ngoài nước.…
Máy rang cà phê tự động tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột).
Thời gian qua, nhiều chương trình, đề án được triển khai đã hỗ trợ DNNVV nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Chẳng hạn như Chương trình khuyến công giai đoạn 2016 - 2020 đã huy động được trên 22 tỷ đồng để thực hiện gần 90 đề án nhằm nâng cao năng lực kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ; hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng máy móc tiên tiến và mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm... Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, năm 2020, công ty ông được Chương trình khuyến công giai đoạn 2016 - 2020 hỗ trợ 180 triệu đồng để đầu tư máy rang cà phê tự động. Từ đó, năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN được nâng cao hơn so với trước.
Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ miễn phí và giảm phí cho các DN mới thành lập, đồng thời thực hiện gia hạn thuế cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhằm giúp DNNVV tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn tín dụng thương mại để tăng cường nhanh năng lực tài chính, phát triển sản xuất kinh doanh, tỉnh cũng đã thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tỉnh Đắk Lắk.
Còn nhiều khó khăn
Theo đánh giá của Sở KH-ĐT, trong thời gian qua, tuy số lượng DN phát triển nhanh, nhưng phần lớn là các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sơ chế nông sản. Mặt khác, công tác hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế nên chưa thực sự tạo được động lực phát triển mạnh mẽ cho DN.
Khách hàng tìm hiểu sản phầm của Công ty TNHH Đắk Lắk Food (huyện Krông Ana) trưng bày tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh năm 2020
Bà Võ Thị Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Đắk Lắk Food (huyện Krông Ana) cho hay, là một trong những DNNVV, nguồn vốn và quy mô còn nhiều hạn chế nên công ty gặp không ít khó khăn, đặc biệt là từ năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm DN điêu đứng. Ngoài việc bị sụt giảm mạnh về doanh thu, DN còn đứng trước nhiều thách thức vì chưa tiếp cận được với các chương trình hỗ trợ từ Nhà nước nên hiện nay đang phải hoạt động cầm chừng.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ DN trên địa bàn phát triển, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN, nhà đầu tư. Hiện nay, Sở đang thống kê số DN bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 để báo cáo các bộ, ngành, Trung ương có biện pháp hỗ trợ”.
Giám đốc Sở KH-ĐT Đinh Xuân Hà |
Theo phản ánh từ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, do đặc thù phần lớn sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh là sản phẩm nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả thị trường quốc tế, trong khi tình hình thời tiết trong thời gian qua diễn biến phức tạp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay đã gây ra không ít thách thức cho các DN. Những tác động trên đã khiến nhiều DN hoạt động kém hiệu quả, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, thua lỗ kéo dài, thậm chí là phải ngưng hoạt động và giải thể.
Ông Võ Tá Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, ngoài hạn chế về nguồn vốn thì một thách thức không nhỏ cho DN khi tiếp cận các chương trình hỗ trợ đó là thủ tục hành chính. Hầu hết các DN đều chia sẻ rằng, để đáp ứng được những tiêu chí hỗ trợ từ các chương trình, dự án… của Nhà nước, DN phải tuân thủ khá nhiều thủ tục rườm rà và trải qua nhiều giai đoạn chờ đợi. Trong khi DN của tỉnh phần nhiều lâm vào tình trạng thiếu vốn, thiếu mặt bằng hoạt động; việc tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách của Nhà nước còn nhiều hạn chế; thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao; cơ sở hạ tầng yếu kém; tính minh bạch của môi trường kinh doanh chưa cao…
Từ những khó khăn trên, có thế thể thấy ngoài những hạn chế “vốn có” của DNNVV thì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và hạn chế của cơ chế, chính sách đang là những “chướng ngại vật” lớn đối với các DN. Để có thể vượt qua những rào cản trên đòi hỏi các DNNVV phải hết sức nỗ lực, đồng thời cũng rất cần sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực và mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp, các ngành.
Khả Lê
http://baodaklak.vn/channel/3483/202107/tro-luc-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-5742517/
Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử